Bộ Công Thương hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác
Ngày 30 tháng 8 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư
số 29/2014/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân
bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất
phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng
11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón.
Theo đó, Thông tư đã hướng dẫn thực hiện điều kiện sản xuất phân bón vô
cơ; hướng dẫn việc cấp phép phân bón vô cơ, cấp phép sản xuất phân bón vô cơ
đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác; điều kiện kinh doanh phân
bón vô cơ; giấy tờ, tài liệu xuất khẩu, nhập khẩu phân bón vô cơ; Quy định cụ
thể mẫu đơn, giấy tờ, tài liệu đáp ứng đủ điều kiện sản xuất phân bón vô cơ;
mẫu đơn và mẫu Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đề nghị cấp lại hoặc điều
chỉnh; công bố hợp quy đối với phân bón vô cơ sản xuất, nhập khẩu, tổng hợp và
công bố danh sách phân bón vô cơ đã công bố hợp quy; chỉ định, quản lý hoạt
động của các phòng thử nghiệm, chứng nhận, giám định phân bón vô cơ; trách
nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và
chất lượng phân bón vô cơ; Các hoạt động quá cảnh, kinh doanh chuyển khẩu, tạm
nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập phân bón vô cơ thực hiện theo quy định của
Luật Thương mại và các văn bản pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Thương
mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Các điều kiện sản xuất phân bón vô cơ quy định diện tích mặt bằng, nhà
xưởng, kho chứa nguyên liệu, kho chứa thành phẩm phân bón phải phù hợp với công
suất sản xuất. Công suất tối thiểu của cơ sở sản xuất phân bón vô cơ được quy
định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này; Dây chuyền sản xuất phải đáp ứng công
suất sản xuất, được cơ giới hóa và phải bảo đảm được chất lượng loại phân bón
sản xuất. Máy móc, thiết bị để sản xuất phân bón phải có nguồn gốc rõ ràng và
hợp pháp. Máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo
lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định; Quy
trình công nghệ sản xuất đối với từng loại phân bón phải phù hợp với máy móc
thiết bị và công suất sản xuất; Phòng thử nghiệm của cơ sở sản xuất phân bón
phải có khả năng phân tích được các chỉ tiêu chất lượng quy định tại quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đầu ra và các chỉ tiêu chất lượng quy định
tại tiêu chuẩn áp dụng đối với nguyên liệu đầu vào để kiểm soát chất lượng sản
phẩm; Cơ sở sản xuất phân bón vô cơ không có phòng thử nghiệm hoặc có phòng thử
nghiệm nhưng không thử nghiệm được hết các chỉ tiêu chất lượng quy định tại quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải có hợp đồng với phòng thử nghiệm được chỉ định
hoặc được công nhận để kiểm soát chất lượng phân bón sản phẩm; Kho chứa nguyên
liệu, kho chứa thành phẩm phân bón phải phù hợp với năng lực, công suất sản
xuất. Kho chứa có các phương tiện bảo quản chất lượng phân bón trong thời gian
lưu giữ. Phân bón xếp trong kho phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho người lao động
và hàng hoá. Kho chứa phân bón phải có nội quy thể hiện được nội dung về đảm
bảo chất lượng phân bón và vệ sinh, an toàn lao động.
Cũng theo Thông tư, cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán
phân bón vô cơ phải có biển hiệu, có bảng giá bán công khai từng loại phân bón,
niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc. Phân bón bày bán phải được xếp đặt riêng,
không để lẫn với các loại hàng hóa khác, phải được bảo quản ở nơi khô ráo, đảm
bảo giữ được chất lượng phân bón và điều kiện vệ sinh môi trường. Bao bì, các
dụng cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ, vận chuyển phải bảo đảm được chất lượng
phân bón, bảo đảm vệ sinh môi trường, không rò rỉ, phát tán phân bón ra ngoài
ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Phải có biện pháp xử lý bao bì, vỏ chai,
lọ và phân bón đã quá hạn sử dụng; Kho chứa phải đảm bảo các yêu cầu về vị trí
xây dựng, yêu cầu về thiết kế phù hợp với phân bón đang kinh doanh, đáp ứng các
yêu cầu về bảo vệ môi trường, về phòng chống cháy nổ. Trong kho chứa, phân bón
phải được xếp đặt riêng rẽ, không để lẫn với các loại hàng hóa khác; Phân bón
nhập khẩu phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật,
thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng nhập khẩu phân bón đối với lô
hàng nhập khẩu trước khi lưu thông. Phân bón trong nước phải có hóa đơn, chứng
từ hợp pháp chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung
cấp loại phân bón kinh doanh; Đối với các cửa hàng bán lẻ phân bón vô cơ, trường
hợp không có kho chứa thì các công cụ, thiết bị chứa đựng phân bón phải đảm bảo
được chất lượng phân bón, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2014.